Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Tuân Tử
chừng 程
◎ Nôm: 澄 dt. âm HHV của trình 程, trỏ quãng đường hoặc quãng thời gian xác định đại khái. trình 程 là chữ hình thanh, gồm bộ hoà 禾 (nghĩa phù) và chữ trình 呈 (thanh phù). Nghĩa gốc là trỏ việc cân đo cũng như dụng cụ đo lường lúa gạo. Sách Tuân Tử thiên Chí sĩ : “chừng là cái chuẩn của vật, lễ là cái chuẩn của tiết độ; chừng để định số lượng; lễ để định nhân luân” (程者、物之準也,禮者、節之準也;程以立數,禮以定倫 trình giả vật chi chuẩn dã, lễ giả tiết chi chuẩn dã; trình dĩ lập số, lễ dĩ định luân). Nghĩa phái sinh của trình/ chừng là trỏ hạn độ (đo lường), giới hạn (thời gian), ví dụ: bài Nguỵ đô phú có câu: “đêm trăng có hạn” (明宵有程 minh tiêu hữu trình). Phái sinh tiếp, trình còn để trỏ giới hạn của không gian, quãng đường, như lộ trình. Rồi được dùng để trỏ cả quãng đường lẫn con đường.
dt. <từ cổ> quãng đường hoặc khoảng thời gian xác định đại khái. [Vương Lộc 2001: 36]. Non tây bóng ác đã măng tằng, dìn đỉnh tùng thu vãng chừng. (Tự thán 98.2)‖ Chiều người ngựa cũng vui chân qua chừng (lưu nữ tướng, c. 268)‖ ai ngờ gặp đứa gió trăng, cho nên khuất nẻo lạc chừng khốn thay! (trinh thử, c. 65-66)
hiếu sinh 好生
đgt. quý trọng sinh mạng của các sinh linh. Bạch Hổ Thông thiên Tính tình ghi: “Lòng nhân là hiếu sinh” (仁者,好生). Sách Tuân Tử ghi: “Khổng Tử nói: ‘…chính sự của vua Thuấn thì hiếu sinh mà ghét giết chóc. Cho nên, phượng đậu trên cây, lân chơi ngoài nội, còn tổ ô thước thì có thể cúi xuống mà nhòm vào’” (孔子曰:…其政好生而惡殺焉。是以鳳在列樹,麟在郊野,烏鵲之巢可俯而窺也…). Hiếu sinh, như thế, là một biểu hiện của đức trị theo quan niệm của nhà Nho xưa. Người tri âm ít, cầm nên lặng, lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu. (Tự thuật 121.6). Với ẩn sĩ, đức hiếu sinh là một phẩm chất mang tính lưỡng trị: vừa là sự hoà hợp nhất thể hoá với thiên nhiên theo tinh thần đạo gia lại vừa là sự thực hành đức nhân theo chủ trương của nho gia. Điều này càng chứng tỏ thêm rằng, ở ẩn không phải là một hành vi yếm thế tránh đời, mà là một hành vi chính trị qua những hành vi sống động và quan niệm của người ở ẩn. x. tạc tỉnh canh điền.
lục nữa tràm 綠女藍
Thng đc. xanh hơn chàm, dịch câu thanh lục ư lam nhi thắng ư lam 青出於藍而勝於藍 (xanh vốn từ tràm, nhưng sậm hơn tràm). Sách Nhĩ Nhã Dực của la nguyện đời Tống ghi: “Tràm là loại cỏ nhuộm xanh. Tuân Tử nói: “Xanh vốn từ tràm mà lại xanh hơn tràm”, câu này ý nói nhuộm thôi mà lại thẫm hơn cả chất.” (藍者染青之草荀子曰青出於藍而青於藍言染反勝於其質). Sử Ký phần Thế gia ghi: “Truyện rằng: ‘màu xanh vốn từ tràm mà chất xanh hơn tràm’, ý nói chỉ có giáo dục mới khiến được vậy.” (三王世家:傳曰“青采出於藍,而質青於藍”者,教使然也). Câu này ý nói Chu Đôn Di học Thọ Nham thiền sư mà lý học lại cao hơn thày [NT Giang: 27]. x. Thiếu Thất, x. Liêm Khê. Đầu non Thiếu Thất đen bằng mực, dòng nước Liêm Khê lục nữa tràm. (Tự thán 97.6).
thằng mặc 繩墨
◎ Nôm: 䋲𱗐
dt. <từ cổ> còn có âm đọc trại là thừng mực. thằng mặc là dụng cụ đo của thợ mộc được làm bằng sợi dây nhuộm đen bằng mực tàu, thợ dùng dây nảy trên mặt gỗ làm dấu để cưa cho thẳng. Dân gian có câu: thẳng mực đau lòng gỗ. Thước đo độ thẳng của chiều ngang thì gọi là chuẩn 準, nên trỏ thước đo nói chung thì có chữ chuẩn thằng 準繩, và sau lại có chữ mực thước để trỏ khuôn mẫu tiêu chuẩn. Sách Tuân Tử thiên Khuyến học ghi: “Gỗ thẳng đúng mực thước, gỗ cong làm bánh xe.” (木直中繩 , 輮以為輪 mộc trực trúng thằng, nhụ dĩ vi luân). Sách Trang Tử thiên Tiêu diêu du ghi: “Huệ Tử nói với Trang Tử: ‘tôi có một cây lớn, người ta thường gọi là cây sư, cái gốc đại của nó thì phình to chẳng thước mực nào nảy được, cành nhỏ của nó thì cong queo chẳng thước quy thước củ nào đo được; dựng nó bên đường, không thợ mộc nào thèm ngó tới.” (惠子謂莊子曰:“吾有大樹,人謂之樗。其大本擁腫而不中繩墨,其小枝卷曲而不中規矩,立之塗,匠者不顧). Sách Sử Ký thiên Lão Tử- Hàn Phi Tử liệt truyện ghi: “Hàn Phi Tử dẫn dụng thằng mặc (chuẩn mực) để xét đoán sự tình, minh giải thị phi.” (韓子引繩墨,切事情,明是非). Được thua cứ phép làm thằng mặc, cao thấp nài nhau tựa đắn đo. (Bảo kính 152.3). x. mực thước.
toàn ngọc 璇玉
dt. ngọc đẹp. Sách Tuân Tử thiên Phú ghi: “Toàn ngọc với dao châu, chẳng biết mà đeo vậy.” (琁玉瑤珠,不知佩也), sách Thuyết Văn rằng: “toàn là ngọc đỏ” (璇,赤玉). Lai láng lòng thơ ngâm chửa đủ, ngồi nâng toàn ngọc, triện còn hương. (Hoa mẫu đơn 233.4). Ví đoá mẫu đơn tươi đẹp đáng quý như toàn ngọc.
xã tắc 社稷
dt. sách Tuân Tử thiên Lễ luận viết: “xã: thần đất. Tắc: thần ngũ cốc. Thần xã và thần tắc là hai vị thần hàng đầu trong quốc tế xưa, đích thân hoàng đế làm chủ tế”. Sau xã tắc được dùng để trỏ đất nước nói chung. xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thuở vững âu vàng (社稷兩回勞石馬,山河千古奠金甌) (Trần Nhân Tông). Bát cơm xoa, nhờ ơn xã tắc, căn lều cỏ, đội đức Đường Ngu. (Ngôn chí 15.5).
đốt 焠
◎ Nôm: 炪 Âm phiên thiết: thủ nội (取內), AHV: thối, âm HTC: *sthuts (Baxter). Xét cấu trúc {火+卒}, thanh phù tốt. Như vậy, đốt là âm THV [Schneider 1995]. Văn cảnh: “Có người chán nằm bèn đốt tay, có thể gọi là tự nhẫn vậy” (有子惡臥而焠掌,可謂能自忍矣!) [Tuân Tử - Giải tế]. Như vậy, “đốt” gốc Hán, “nung”- “cháy” gốc Việt. Ss đối ứng toc, doc, tot, dot (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 216]. x. trui.
đgt. làm cho cháy. Bốn bể nhẫn còn mong đuốc đốt, Dầu về dầu ở mặc ta dầu. (Bảo kính 154.7). x. đuốc.
đgt. <từ cổ> phơi, đối dịch chữ bộc 曝. Chữ này thông với bộc 暴 trong tiểu triện gồm hình mặt trời ở trên, với chữ củng 廾 (hai cánh tay giơ lên), với chữ xuất 出 và bộ mễ 米 (thóc, gạo) trỏ việc mang thóc ra phơi nắng. Cơ- gió thổi mặt bờ- lời đốt < 風吹日曝 (Phật thuyết 20a3), tiếng Việt và tiếng Hán có từ bộc lộ 曝露, với nghĩa gốc là phơi nắng phơi sương, và nghĩa dẫn thân hiện nay vẫn dùng là ”thể hiện lòng mình ra”, gần nghĩa với các từ Hán Việt Việt tạo khác là bộc bạch 曝白, bộc trực 曝直. Chữ Nôm có bộ hỏa là vì vậy. Cũng có thể phiên là chuốt với nghĩa “trau chuốt, tu rèn” như TVG, ĐDA, MQL, PL. Nhưng sẽ làm ý thơ lộ, và quan trọng nhất là làm lộ chủ thể phát ngôn. Trong khi, đây là bài vịnh hoa cúc đỏ. Cho nên, ”đốt lòng đan” là tả việc cánh hoa cúc nở bung ra trong tiết thu, phơi màu son đỏ rực rỡ của nó dưới nắng sương, chẳng lấm chút bụi trần. Đặt câu thơ trong cả bài thơ, ta sẽ thấy hình tượng ”phơi lòng đan” nằm trong tổng thể hữu cơ với những tầng biểu tượng xoay quanh hoa cúc. Và đương nhiên, lúc này, ta mới tính đến hàm ý ngôn ngoại của cả bài thơ. Đốt lòng đan chăng bén tục, Bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).